Lời Kinh Thánh

Hãy tin Đức Chúa Jesus, thì ngươi và cả nhà đều sẽ được cứu rỗi. Kinh Thánh - Công Vụ Các Sứ đồ 16: 31

Thứ Bảy, 3 tháng 11, 2012

Albert Einstein


Tất cả chúng ta đều biết Albert Einstein là nhà bác học nổi tiếng nhất của thế kỷ 20. Ông được coi là người có ảnh hưởng nhiều nhất trên toàn thể nhân loại trong thế kỷ rồi. Tuần báo Time gọi ông là con người của thế kỷ. Tạp chí Time trong tháng Tư vừa qua cũng có một bài đặc biệt nói về đời sống tâm linh và đức tin của Einstein. Chúng ta thường nghĩ đức tin và khoa học không đi đôi với nhau, nhưng Einstein đã từng nói một câu để đời. Ông nói: "Khoa học không tôn giáo là què quặt; còn tôn giáo mà thiếu khoa học là mù lòa."
Albert Einstein là nhà khoa học lừng danh, nhưng ông không phủ nhận sự hiện hữu của Đức Chúa Trời mặc dù quan điểm về Đức Chúa Trời của ông không giống như quan điểm của nhiều người trong chúng ta. Ông tin sự hiện hữu của Đức Chúa Trời khi quan sát các định luật thiên nhiên trong vũ trụ. Einstein nói: "Tôi tin nơi một Đức Chúa Trời đã bày tỏ chính Ngài qua những luật lệ hòa hợp trong mọi vật hiện hữu."

Khi được hỏi ông có tin Chúa Giê-xu là một nhân vật lịch sử không, Einstein nói: "Chắc chắn là có!" Ông nói thêm: "Không ai đọc Phúc Âm mà lại không cảm nhận sự có mặt thật sự của Chúa Giê-xu. Chúng ta có thể cảm nhận từng nhịp đập của con người Chúa Giê-xu qua từng lời nói của Ngài." Quyền tể trị của Thiên Chúa là một điều khác mà Einstein tin tưởng. Chịu ảnh hưởng của triết gia Schopenhauer, Enstein cho rằng, Con người có thể hành động theo ý muốn của mình nhưng ý muốn đó không thật sự là ý muốn của mình. Nói như vậy nghĩa là Einstein công nhận có một sức mạnh lớn hơn mà con người không thể vượt qua.
Tác giả bài báo nói về cuộc đời của Albert Einstein kết luận rằng, đối với Enstein, sự kiện chúng ta có thể hiểu được thế giới nầy và có những định luật điều khiển trật tự của vũ trụ cũng đủ khiến cho chúng ta nể phục. Albert Einstein là một nhà khoa học lừng danh cho nên những nhận định của ông cũng đáng cho chúng ta suy nghĩ.
Trước hết Einstein nói rằng ông không thể là một con người vô thần được. Khi quan sát vũ trụ thiên nhiên, ông thấy có một sức mạnh điều khiển cả cõi vụ trụ đó. Einstein nói rằng chỗ đứng của con người giữa vũ trụ nầy cũng giống như một em bé bước vào một thư viện lớn với bao nhiêu sách vở viết bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Đứa bé biết rằng phải có một người nào đó viết những quyển sách nầy. Đứa bé không biết người ta viết sách như thế nào. Nó cũng không hiểu ngôn ngữ của những quyển sách đó. Đứa bé biết có một thứ tự huyền nhiệm trong việc sắp xếp những quyển sách trong thư viện dù không biết thứ tự đó là gì. Theo tôi, Einstein nói, Đó cũng là thái độ của con người chúng ta, dù là con người thông minh tài giỏi nhất đi nữa đối với Đức Chúa Trời!
Đây cũng phải là thái độ của chúng ta đối với Thiên Chúa. Vũ trụ thế giới bao la và tất cả những huyền nhiệm về đời sống và con người là những điều quá cao xa mà trí óc hữu hạn của con người chúng ta không thể nào hiểu nổi. Nhưng không hiểu không có nghĩa là chúng ta phủ nhận Thiên Chúa. Vua Đa-vít ngày xưa khi nhìn vào vũ trụ bao la đã nói: "Khi tôi nhìn xem các từng trời là công việc của ngón tay Chúa, mặt trăng và các ngôi sao mà Chúa đã đặt. Loài người là gì mà Chúa nhớ đến, con loài người là chi mà Chúa thăm viếng nó?" Trước cái vĩ đại của thế giới bao la, chúng ta mới thấy cái nhỏ bé của con người chúng ta và chẳng những tin tưởng nơi Thiên Chúa và thán phục trước uy quyền của Ngài, chúng ta không thể không ý thức tình thương bao la Thiên Chúa dành cho chúng ta bởi vì con nguời chúng ta quá bé nhỏ mà Thiên Chúa vẫn đoái nhìn, chăm sóc. Vua Đa-vít nói, Chúa nhớ đến, Chúa thăm viếng.
Einstein tin nơi một Thiên Chúa quyền năng nhưng ông không tin nơi một Thiên Chúa quan tâm để ý đến con người. Dầu vậy, ông không thể phủ nhận tính cách thực hữu của Chúa Giê-xu là Thiên Chúa trong thân xác con người. Chúa Giê-xu phán: "Ai đã thấy Ta tức là đã thấy Cha." Chúa Giê-xu chính là hiện thân của Thiên Chúa và tin vào Thiên Chúa là phải tin Chúa Giê-xu. Chúa Giê-xu là con đường nối liền giữa chúng ta với Thiên Chúa vì Thiên Chúa chẳng những là Đấng cao cả vĩ đại, Ngài cũng là Đấng thánh khiết. Thiên Chúa thánh khiết, con người tội lỗi vì vậy mà con người bị ngăn cách với Thiên Chúa. Chúa Giê-xu phải đến trần gian, một mặt để cho con người biết Thiên Chúa là ai, mặt khác, quan trọng hơn, để cứu rỗi con người, để bắc lại nhịp cầu ngăn cách giữa con nguời tội lỗi với Thiên Chúa thánh khiết. Chiếc cầu Chúa Giê-xu đã bắc chính là cây thập tự mà Chúa đã chịu đóng đinh thay thế cho con người. Tội lỗi đòi hỏi án phạt và Chúa Giê-xu phải nhận án phạt thay cho con người, như vậy Ngài mới có thể cứu con người.
Việc làm của Chúa Giê-xu và tất cả những lời dạy của Chúa mà Einstein nói rằng chúng ta có thể cảm nhận từng nhịp đập của những lời dạy đó qua những trang Phúc Âm. Lời dạy đó nói rằng: "Ta là con đường, là chân lý, là nguồn sống, chẳng bởi Ta thì không ai đến được đến cùng Cha." Chúa Giê-xu cũng phán: "Ta đã đến hầu cho chiên được sống và sống sung mãn." Và rồi Chúa kêu gọi: "Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ."
Quý vị đang nghe câu chuyện Phúc Âm và Phúc Âm là gì? Phúc Âm là cuộc đời và lời dạy của Chúa Giê-xu. Cuộc đời của Chúa Giê-xu là cuộc đời vô tội đã gánh tội thế cho con người qua cái chết của Ngài trên cây thập tự. Lời dạy của Chúa Giê-xu là lời dạy yêu thương, đem con người trở lại với Thiên Chúa là Cha. Chúa Giê-xu không dạy suông nhưng Ngài cũng ban cho chúng ta sức mạnh để có thể làm theo lời dạy của Ngài khi chúng ta thật sự tin tưởng nơi Ngài.
Quý vị và tôi, chúng ta đang sống trong thế kỷ thứ 21 với những tiến bộ vượt bực về khoa học và kỹ thuật, nhưng cũng như Einstein đã nói, "Khoa học không tôn giáo là què quặt; còn tôn giáo mà thiếu khoa học là mù lòa." Chúng ta có khoa học mà thiếu đi niềm tin thì thật là què quặt! Vấn đề đức tin và tâm linh không cần phải đặt ra nếu chúng ta không cần. Sâu kín trong đáy lòng, mỗi chúng ta đều biết mình cần có một niềm tin để sống. Niềm tin đó là gì? Đặt nơi đâu? Chúng ta không thể phủ nhận sự hiện hữu của một Thiên Chúa toàn năng thể hiện trong vũ trụ thiên nhiên mà nhà khoa học vĩ đại nhất của nhân loại đã công nhận. Chúng ta cũng không thể phủ nhận tính cách thực hữu của Chúa Giê-xu, Thiên Chúa trong thân xác con người, đã đến trần gian chịu chết vì tội của con người và vẫn đang tiếp tục chờ đợi con người quay về với Ngài. Tiếng nói Phúc Âm nầy chính là lời mời gọi của Thiên Chúa kêu gọi chúng ta là tạo vật của Ngài quay về tôn thờ Chúa là Cha và kinh nghiệm đời sống an vui, thỏa mãn trong Ngài. Đó là vấn đề đức tin, đó chính là đời sống tâm linh mỗi chúng ta cần có!

Mục sư Nguyễn Thỉ